Ổ cứng SSD laptop là gì? Tổng hợp những điều cần biết khi chọn mua ổ cứng SSD laptop.

Bạn có cảm thấy chiếc laptop của bạn bắt đầu có những dấu hiệu chậm, lag, xử lý thông tin chậm sau một thời gian sử dụng ? Đó là lúc bạn cần phải nghĩ đến việc lắp đặt một chiếc ổ cứng SSD laptop cho chiếc máy thân yêu của mình. Vậy ổ cứng SSD laptop là gì? Có giá bao nhiêu tiền? Và cần phải chú ý những gì khi lựa chọn một chiếc SSD laptop phù hợp?

1/ Ổ cứng SSD laptop là gì?

ổ cứng ssd laptop là gì

Ổ cứng SSD là một loại ổ cứng lưu trữ bán dẫn hay ổ cứng thể rắn dành cho laptop, sử dụng nhiều chip Flash liên kết với nhau tạo thành vùng lưu trữ dữ liệu. Loại chip này được gọi là Non-volatile Memory, được gắn cố định trên bo mạch chủ hoặc PCI/PCIe, tạo thành những vùng lưu trữ trong quá trình chạy ổ cứng SSD giúp ghi lại dữ liệu 1 cách nhanh chóng.

2/ Tại sao phải nâng cấp ổ cứng SSD cho laptop?

Những ưu điểm vượt trội của SSD so với dòng HDD cũ sẽ là vấn đề tiên quyết khiến cho đa số người dùng laptop quyết định nâng cấp lên ổ cứng SSD, đặc biệt đối với người có nhu cầu sử dụng laptop cao, trong công việc hoặc chơi game, cụ thể:

  • Ổ cứng SSD sẽ giúp giảm thiểu tối đa thời gian chờ khởi động của hệ điều hành.
  • Tốc độ xử lý và truy xuất dữ liệu nhanh hơn, cho hiệu suất tốt khi sử dụng các phần mềm đồ họa hoặc chơi game, tránh hiện tượng phân mảnh, lỗi “Full Disk 100%” hay tình trạng đơ và giật máy như khi chạy trên ổ cứng HDD.
  • Hoạt động ít tiếng ồn, khả năng tản nhiệt và tiết kiệm điện năng tốt, từ đó giảm thiểu tình trạng nóng máy.
  • Bền hơn với khả năng chống sốc tốt nhờ cấu tạo thể rắn với các chip nhớ được gắn trực tiếp trên bo mạch chủ và không mất ổn định khi va chạm như HDD.
  • Cấu tạo và thiết kế nhẹ, nhỏ gọn và không rườm rà.  

3/ Khi nào cần nâng cấp ổ cứng SSD cho laptop?

Nếu không kể đến trường hợp bạn cần nâng cấp lên ổ SSD cho laptop để tối ưu hóa tốc độ và khả năng làm việc tốt hơn cho máy, thì một số trường hợp sau đây, bạn nên nghĩ đến việc thay thế ổ cứng SSD mới cho máy của mình:

  • Máy đã sử dụng một thời gian dài, ổ HDD cũ khi chạy sẽ có tiếng ồn, nhanh nóng hơn và máy hoạt động chậm khi mở nhiều tag làm việc khách nhau trên trình duyệt hoặc nhiều ứng dụng Office cùng lúc.
  • Laptop báo lỗi “Non-system disk or disk error…”
  • Lỗi Bad sector của ổ cứng
  • Laptop không thể khởi động được do ổ cứng bị hỏng
  • Laptop báo dung lượng ở cứng đã full hoặc sắp full
  • Không thể cài đặt thêm bất kỳ ứng dụng nào do ổ cứng bị rung lắc mạnh trong quá trình vận hành, gây lỗi và mất dữ liệu hệ điều hành.

4/ Ổ cứng SSD laptop có gì khác so với ổ cứng SSD PC?

Về cơ bản, ổ cứng SSD laptop và ổ cứng SSD PC sẽ không có nhiều khác biệt và có thể được sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, do tính chất di động của laptop cùng với khả năng va đập cao hơn so với PC, nên khi lựa chọn ổ cứng SSD laptop, bạn cũng cần ưu tiên lựa chọn những sản phẩm SSD có thiết kế nhỏ gọn, không cồng kềnh, dễ dàng lắp đặt và có độ bền cao.

Khi lựa chọn ổ cứng SSD laptop, tốt nhất là bạn lựa chọn các sản phẩm của các thương hiệu SSD uy tín như: Samsung, Intel, Kingston, Transcend hay Crucial…

5/ Có bao nhiêu loại ổ cứng SSD laptop?

Có rất nhiều cách để phân loại ổ SSD laptop như về hiệu năng, form factor, chuẩn giao tiếp, chip nhớ hay NAND flash. Tuy nhiên, ở vai trò của người dùng cần nâng cấp ổ cứng cho laptop tối ưu hóa tốc độ và thích hợp với nhu cầu sử dụng, bạn cần quan tâm đến 2 yếu tố: chuẩn form factor để lựa chọn chuẩn kết nối SSD phù hợp với laptop, và dung lượng của từng ổ cứng để phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Về chuẩn form factor, ổ cứng SSD laptop có thể được chia thành 4 loại chính:

  • SSD 2,5” SATA: Chuẩn kết nối SSD đời đầu. Với mục đích thay thế dần cho HDD ở giai đoạn đầu, nên các ổ cứng SSD thời điểm này cũng được thiết kế theo hình dáng của ổ HDD, nên thường có kích cỡ vào khoảng 2,5” hoặc 3,5” tùy theo loại, và cũng dùng chung giao thức SATA như HDD. 3,5” được sử dụng cho PC và 2,5” dùng cho laptop. Có loại còn đạt ở mức 1,8” cho các laptop cỡ nhỏ.
  • SSD mSATA: SSD chuẩn mSATA có kích thước chỉ bằng khoản 1/8 so với ổ SSD 2,5” cũ, được sử dụng khá phổ biến ngày nay. mSATA hay miniSATA là dạng sử dụng cổng kết nối chuẩn SATA những được thu nhỏ hơn để phù hợp với các dòng máy nhỏ nhẹ.

Một lưu ý nhỏ là ở một số dòng laptop, cổng mSATA rất giống với cổng Mini PCL Express (mPCLe). Tuy nhiên, đây là hai giao thức kết nối hoàn toàn khác nhau và không phải máy nào cũng có thể kết nối SSD chuẩn mSATA vào các khe PLCe. Bạn cần đảm bảo rằng cổng mSATA của laptop bạn có ghi các thông tin cụ thể để có thể sử dụng những loại SSD dạng này.

  • SSD M.2: Khắc phục vấn đề kết nối của mSATA thì năm 2012, một loại SSD mới ra đời với tên Next Generation Form Factor (NGFF) nay được gọi là M.2, hỗ trợ được cả giao tiếp SATA, PCle lẫn USB nhưng với kích thước nhỏ hơn rất nhiều, rất phù hợp cho các dòng laptop nhỏ nhẹ.

Bởi vì có thể kết nối với giao thức PCle qua các cổng lane PCI Express nên SSD M.2 cũng cho tốc độ xử lý cao hơn khi được kết nối trực tiếp vào CPU. Đặc biệt, nếu dùng ổ cứng SSD M.2 để build máy bàn cũng giúp máy gọn gàng hơn vì không cần đến cáp nguồn và cáp data riêng biệt như SSD chuẩn SATA cũ.

  • SSD U.2: Một loại ổ cứng SSD nữa đó là dòng SSD chuẩn U.2 với tốc độ tối đa lên đến 10Gbps. Giống như SSD M.2, SSD U.2 sử dụng kết nối PCle 3.0 x4(4 lane) nhưng với kích thước to hơn nên có thêm nhiều chip flash hơn, vừa giúp xử lý nhanh mà dung lượng cũng cao hơn hẳn so với chuẩn M.2.

Về dung lượng, hiện nay ổ cứng SSD laptop cũng chia ra thành nhiều loại dung lượng khác nhau, từ vài trăm GB cho đến vài chục TB, với giá tiền khác nhau tùy theo dung lượng và theo hãng.

Giá bao nhiêu cho một chiếc ổ cứng SSD laptop?

Sẽ có nhiều yếu tố quyết định đến giá của một chiếc ổ cứng SSD laptop, như: dung lượng, thương hiệu, cấu hình hay giao thức kết nối…Nhưng nhìn chung, ổ cứng SSD vẫn có giá thành cao hơn so với ổ cứng HDD thông thường, vào khoảng tầm từ 1-2 triệu đồng cho một ổ cứng SSD là đã có thể sử dụng được với đầy đủ yêu cầu. Nếu bạn cần làm việc trên laptop với yêu cầu cao hơn, hệ thống mạnh mẽ hơn và khả năng lưu trữ tốt hơn thì sẽ cần từ 3-6 triệu đồng cho những ổ cứng SSD laptop có cấu hình cao hơn.

6/ Một số lưu ý giúp chọn mua được SSD laptop ưng ý

ổ cứng ssd laptop là gì

Chọn theo hãng sản xuất

2 thương hiệu nổi tiếng về ổ cứng SSD mà bạn ưu tiên lựa chọn đó là Samsung và Intel, giúp đảm bảo việc ổ cứng được vận hành tốt hơn và thời gian hoạt động bên bỉ lên đến 5-10 năm.

Còn nếu bạn muốn sử dụng SSD vừa túi tiền hơn thì những thương hiệu như Kingston, Kingmax, Transcend, Crucial…sẽ có các sản phẩm phù hợp với bạn. Và dĩ nhiên rồi, “tiền nào thì của nấy” nhé.

Chọn theo dung lượng  

Cũng như HDD, ổ cứng SSD laptop sẽ có nhiều mức dung lượng khác nhau và giá tiền theo đó sẽ khác nhau. Tuy nhiên, không phải lúc nào ổ cứng SSD dung lượng cao cũng là tốt nhất cho laptop. Hãy cân nhắc giữa chi phí và nhu cầu sử dụng để lựa chọn loại ổ cứng SSD theo dung lượng phù hợp nhất, ví dụ:

  • Bạn cần nâng cấp để cài đặt hệ điều hành mới hay tăng tốc hệ thống: chọn ổ cứng từ 120GB đến 240GB.
  • Bạn cần tăng tốc các ứng dụng, tăng cường hiệu suất xử lý thông tin và chơi game cấu hình cao: chọn ổ cứng từ 240GB đến 512GB.
  • Bạn cần lưu trữ, tăng tốc trích xuất dữ liệu, chứa nhiều data hay file video và đồ họa dung lượng lớn: Nên chọn ổ cứng từ 512GB trở lên tùy tài chính.

Chú ý cổng kết nối

Nâng cấp ổ cứng SSD trên laptop thường sẽ rơi vào 2 trường hợp:

Đối với laptop đời mới có cổng M2: Hiện nay, hầu hết dòng laptop đều đã được trang bị cổng M2 để lắp đặt thêm ổ cứng SSD. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra xem mainboard của máy đã hỗ trợ cổng M2 SATA hay M2 PCLe để lựa chọn sản phẩm SSD phù hợp.

Đối với các dòng laptop cũ: Những dòng laptop cũ trước đây không có cổng M2, nếu muốn lắp đặt SSD sẽ có hai cách:

  • Cách 1, nếu laptop có ổ DVD: Bạn tháo ổ DVD ra nếu không dùng tới và sử dụng Caddy Bay để lắp đặt ổ cứng vào vị trí thay thế cho DVD. Thường thì ổ SSD sẽ được thay thế cho ổ cứng cũ, và ổ cứng cũ được chuyển ra vị trí của DVD bằng cách sử dụng Caddy Bay. Ổ DVD cũ bạn có thể đem về cất, hoặc bán kiếm chút đỉnh để nâng cấp thêm thanh RAM :D.
  • Cách 2, nếu laptop không có DVD hoặc bạn không muốn thay thế ổ DVD: Lúc này, SSD sẽ được đưa vào vị trí của HDD cũ của máy. Bạn sẽ thừa ra ổ cứng HDD không còn dùng tới nữa. Nếu muốn, bạn mua một ổ HDD Box để biến ổ cứng HDD cũ thành ổ cứng di động và lưu trữ thay thế cho USB.

Trên đây là tổng hợp những thông tinbạn cần phải biết trước khi chọn mua sản phẩm ổ cứng SSD laptop để nâng cấp cho chiếc máy tính của mình. Chúc bạn có được những trải nghiệm thú vị về tốc độ xử lý cũng như hiệu năng mà chiếc SSD laptop mang lại cho bạn nhé.  

Block "footer-content" not found